Với Khánh Hòa – một điểm đến nổi tiếng trong khu vực, việc phổ cập tiếng Anh không chỉ là giải pháp ngắn hạn để thu hút khách mà còn là chiến lược dài hạn để thay đổi cục diện phát triển du lịch.
Rào cản ngôn ngữ
Khánh Hòa hiện đón hàng triệu lượt khách quốc tế mỗi năm, trong đó có nhiều du khách đến từ các quốc gia như Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước châu Âu. Những điểm đến như Nha Trang, Cam Ranh hay Vân Phong đã dần trở thành thương hiệu được biết đến trên bản đồ du lịch thế giới. Tuy nhiên, không khó để nhận thấy một thực tế là nhiều người dân địa phương, bao gồm tiểu thương, tài xế, nhân viên phục vụ trong nhà hàng, khách sạn… vẫn gặp khó khăn trong giao tiếp cơ bản bằng tiếng Anh.
Những trở ngại về ngôn ngữ này không chỉ khiến việc trao đổi trở nên khó khăn, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm du lịch của khách hàng.Tại nhiều điểm dịch vụ, khách nước ngoài phải sử dụng cử chỉ hoặc ứng dụng dịch tự động để diễn đạt nhu cầu, trong khi người dân địa phương lại cảm thấy ngại ngùng, thiếu tự tin, thậm chí né tránh khi không thể giao tiếp được. Điều này khiến cho những tương tác đáng ra rất đơn giản lại trở nên vụng về và kém hiệu quả, làm giảm sự hài lòng và thân thiện mà một địa phương du lịch cần mang lại.
Các nhân viên nhà hàng, khách sạn tích cực tham gia lớp tiếng Anh.
Bên cạnh đó, việc thiếu kỹ năng tiếng Anh còn là một rào cản đối với chính người lao động địa phương trong việc tiếp cận các cơ hội nghề nghiệp có thu nhập tốt hơn. Nhiều doanh nghiệp du lịch - lữ hành đang có nhu cầu lớn về nhân sự có thể giao tiếp cơ bản bằng tiếng Anh nhưng lại phải tuyển lao động từ địa phương khác hoặc đào tạo lại từ đầu.
Chính vì vậy, việc phổ cập tiếng Anh trên diện rộng không chỉ phục vụ mục tiêu du lịch mà còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện sinh kế bền vững cho người dân địa phương.
Người dân Khánh Hòa nói tiếng Anh – Từ nhận thức đến hành động thực chất
Trước thực trạng đó, từ năm 2022, UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Tập đoàn Vingroup triển khai chương trình “Người dân Khánh Hòa nói tiếng Anh” với lộ trình 5 năm. Đây là chương trình đầu tiên tại Việt Nam được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh nhằm xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Anh trong cộng đồng. Chương trình này hướng đến đối tượng là người dân thường xuyên tiếp xúc với du khách, bao gồm: tiểu thương, người lao động, học sinh - sinh viên, cán bộ công chức và nhân viên các ngành dịch vụ.
Với sự tham gia đồng hành của các đơn vị như Trường Đại học Nha Trang, Trường Đại học Khánh Hòa, VinUni và hệ thống giáo dục Vinschool, chương trình được tổ chức bài bản từ việc thiết kế giáo trình, tuyển chọn và đào tạo tình nguyện viên giảng dạy, thành lập các câu lạc bộ tiếng Anh đến việc giám sát chất lượng lớp học.
Hiện tại, giai đoạn đầu của chương trình đã hình thành 150 câu lạc bộ tiếng Anh tại các tổ dân phố, trường học và cơ quan công sở. Hàng trăm tình nguyện viên đã được huy động để hỗ trợ giảng dạy và tổ chức lớp học buổi tối theo hình thức trực tuyến và trực tiếp. Nội dung học tập bám sát các tình huống giao tiếp cơ bản trong đời sống, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch như: chào hỏi, giới thiệu sản phẩm, hỏi - đáp thông tin, chỉ đường, xử lý tình huống đơn giản với du khách.
Thành viên các câu lạc bộ tiếng Anh thực hành giao tiếp với du khách nước ngoài
Phổ cập tiếng Anh không phải là giải pháp thần kỳ để biến một địa phương thành điểm đến đẳng cấp quốc tế chỉ sau một thời gian ngắn. Nhưng đó là nền tảng căn bản và cần thiết để du lịch phát triển bền vững, gắn với cộng đồng và bản sắc địa phương.
Chương trình “Người dân Khánh Hòa nói tiếng Anh” đang từng bước cho thấy hiệu quả khi tiếp cận đúng đối tượng, đúng nhu cầu và bằng phương pháp thực chất. Việc giúp người dân sử dụng được tiếng Anh cơ bản không chỉ cải thiện hình ảnh thân thiện, chuyên nghiệp của điểm đến mà còn tạo ra một lực lượng “đại sứ du lịch” tại chỗ.
Giáo dục ngày nay - https://giaoducngaynay.vn/ All Right Reserved
Giáo dục ngày nay - Cập nhật thông tin mới nhất về Giáo dục trong nước, du học và hướng nghiệp
https://giaoducngaynay.vn/ giữ bản quyền trên website này
Email: mediavietnam9999@gmail.com