Để trẻ xin lỗi nếu chúng thực sự hối lỗi
Mục đích của cha mẹ khi buộc con nói xin lỗi là dạy trẻ lòng trắc ẩn và sự đồng cảm, rằng khi làm tổn thương người khác, chúng nên thấy tồi tệ về hành động đó và nói xin lỗi một cách chân thành. Điều quan trọng nhất ở đây chính là "sự chân thành".
Do đó, nếu bạn ép con nói lời xin lỗi, chúng sẽ không hiểu được hành vi và tình huống mình đã làm, điều này sẽ gây hậu quả khi trẻ trưởng thành. Khi con lớn lên, bạn sẽ không còn ở đó để gây áp lực buộc chúng phải xin lỗi nữa. Lúc đó, con không biết khi nào nên nói lời xin lỗi với ai đó vì chúng bối rối.
Theo nhà tâm lý học phát triển, Joan Durrant, tác giả sách "Kỷ luật tích cực trong nuôi dạy con hàng ngày", nếu con không thấy hối lỗi thời điểm đó mà ép chúng, bạn đang dạy con nói dối. "Về lâu dài, ép một đứa trẻ nói xin lỗi có thể khiến chúng phản kháng nhiều hơn vì chúng biết xin lỗi là điều chỉ làm khi ai đó có quyền lực buộc chúng phải làm vậy", chuyên gia phân tích.
Trong những tình huống tốt nhất, trẻ nên được học cách xác định tổn hại mà chúng đã gây ra và tự quyết định cần phải sửa đổi. Đây là cách để bắt đầu quá trình đó.
Ảnh minh họa: Fatherly
Kéo con sang một bên
Khi đến lúc phải bắt con xin lỗi, không nên ép con phải nói lời đó trước mặt nhóm bạn, đặc biệt nếu không chắc con làm sai.
Jamie Perillo, chuyên gia tâm lý trẻ em cho hay, nói xin lỗi có thể gợi cảm giác xấu hổ và điều đó không hữu ích. Vì vậy, hãy kéo con và người cần được xin lỗi sang một bên để tương tác. Trong cuộc đối thoại, bạn có thể giải thích, ví dụ rằng đổ xô cát lên một em bé ba tuổi không phải điều hay. Sau đó, hỏi đứa trẻ bị đổ cát xem cảm thấy thế nào khi bị dội cát lên đầu.
Phải hiểu con có thể không biết tác hại chúng gây ra
Trẻ không biết người khác cảm thấy thế nào. Phải mất thời gian rất dài để hiểu được quan điểm của người xung quanh.
Durrant kể, con trai cô từng đánh rơi bàn chải răng của bố trong nhà vệ sinh. Điều đó rất tệ với người lớn, nhưng khi nghĩ đến con, cô nhận ra đứa trẻ thích nước, nhà vệ sinh chẳng qua chỉ là một món đồ chơi khác. Trẻ không biết về vi trùng hay hệ thống ống nước, chỉ biết rất thú vị khi làm mọi thứ bắn tung tóe.
Cho nên, theo các chuyên gia, trẻ chỉ nên nói xin lỗi khi chúng hiểu sai lầm đó và thừa nhận nó.
Dạy con hiểu cảm giác của người khác
Cha mẹ nên chú ý đến người bị hại và cách họ phản ứng với hành động của con mình, sau đó gợi ý cho con cảm nhận tổn thương của mình khi bị đối xử như vậy.
Ví dụ, nếu Sam cắn Mít, cha mẹ có thể nói với con: "Con có nhớ lần bị ngã xe đạp vết thương đau thế nào không? Đó là cảm giác của Mít lúc này và là cảm giác của mọi người khi bị ai đó cắn. Mít đang khóc vì đau quá".
Với những đứa lớn hơn, cha mẹ yêu cầu chúng tự xác định tác hại nếu hậu quả đó đến với chính mình. "Thật hữu ích khi đứa trẻ nói ra cảm xúc mà chúng gây nên cho người khác và biết mình phải xin lỗi vì điều gì", Perillo nói.
Khi ai đó làm sai với con bạn và thấy con cần được nhận lời xin lỗi, hãy đặt hành động đó vào ngữ cảnh. Tại sao con nghĩ đứa trẻ kia đấm vào mũi con? Có phải con vấp ngã? Có thể đứa trẻ kia có vấn đề về hành vi hoặc khó chịu về điều gì đó con bạn nói?
Những lý do đó không biện minh cho bạo lực, nhưng giúp trẻ nhận ra người khác cũng có động cơ và sai lầm giống chúng. Dạy trẻ hiểu và chấp nhận lý do tại sao ai đó xin lỗi vì sai lầm và mọi người đều có thể mắc lỗi. Nhờ vậy, trẻ sẽ có khả năng nói xin lỗi nhiều hơn khi sai.
Nếu con vẫn không hiểu, hãy yêu cầu trẻ viết một lá thư ngắn cho người chúng nợ lời xin lỗi. Dù không cần trao thư, điều này buộc con phải đặt mình vào vị trí của trẻ khác. Trong thư, trẻ giải thích những gì đã làm và cách chúng muốn.
Giáo dục ngày nay - https://giaoducngaynay.vn/ All Right Reserved
Giáo dục ngày nay - Cập nhật thông tin mới nhất về Giáo dục trong nước, du học và hướng nghiệp
https://giaoducngaynay.vn/ giữ bản quyền trên website này
Email: mediavietnam9999@gmail.com